Giáo dục dạy nghề

Đại biểu Quốc hội vẫn tranh cãi về 'một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa'

Nhiều người lo ngại nhiều bộ sách giáo khoa sẽ gây khó khăn khi thi cử, nhưng cũng có người cho rằng đây là xu thế quốc tế.

Sáng 4/4, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo giao cho nhà trường chủ động chọn sách giáo khoa, tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh là "rất vô lý vì họ biết gì mà cho ý kiến".

"Hơn nữa cùng một tỉnh mà trường A dạy sách này, trường B dạy sách kia. Tại sao không có một chương trình một bộ sách giáo khoa chung để Hội đồng thi ra đề thống nhất? Học nhiều sách nhưng thi chung là không nên", ông Hòa nói và cho rằng sách giáo khoa cần ổn định qua nhiều năm để tránh lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Trung tâm báo chí QH

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng không đồng tình với một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa vì băn khoăn làm như vậy có ảnh hưởng đến học sinh, kỳ thi THPT quốc gia hay không? "Nếu không có bộ sách chung, làm sao có kỳ thi chung được? Theo tôi nên thống nhất một loại sách giáo khoa, còn các loại sách khác để tham khảo", ông Tiến nói.

Về quy định giao cho địa phương biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, ông Tiến đề nghị phải làm rõ là tài liệu gì, nếu không mỗi nơi lại biên soạn riêng. 

Đại biểu Trần Văn Lâm lo lắng mỗi trường chủ động lựa chọn sách giáo khoa sẽ tạo nên sự phức tạp, rối loạn vì khi học sinh chuyển trường hay chuyển nơi ở sẽ phải thay sách, hay trong một huyện, một xã có nhiều sách thì phức tạp. Liệu sau này có hiện tượng xúc tiến thương mại để sách của người biên soạn vào dạy trong các trường? Cần có quy định hoặc định hướng để lựa chọn sách phù hợp với địa phương, ví dụ cấp tỉnh thành lập hội đồng để chọn sách giáo khoa.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị có sách giáo khoa do Hội đồng cấp quốc gia, Chính phủ biên soạn sử dụng được nhiều lần, áp dụng thống nhất cả nước. Bộ sách vẫn có phần mở ở một số môn để địa phương biên soạn, giảng dạy về đặc thù của địa phương. Định kỳ 5-10 năm, Hội đồng cấp quốc gia rà soát, cải tiến nâng cao để phù hợp thực tiễn.

Trái với quan điểm trên, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa rất phù hợp vì sách chỉ là công cụ, phương tiện để thầy cô đưa các em tiếp cận nhanh, tốt hơn với chương trình giáo dục phổ thông. Sách nào giúp tiếp cận nhanh và tốt hơn thì được lựa chọn. Khi đó, nhà nước sẽ tận dụng được chất xám của tri thức trong biên soạn sách giáo khoa, tránh việc một người biên soạn không có sự cạnh tranh.

"Nguyên tắc là biên soạn phải bám vào chương trình khung chứ không phải muốn viết gì thì viết. Còn việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, tôi hiểu là chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm. Điều này cũng phù hợp vì học sinh phải biết lịch sử địa phương chứ", ông Phương nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình, tiếp thu luật Giáo dục sửa đổi tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 4/4. Ảnh: HT

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình, tiếp thu luật Giáo dục sửa đổi tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 4/4. Ảnh: HT

Giải trình trước hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói  cả Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội đều nêu rõ một chương trình nhiều sách giáo khoa. Những băn khoăn của đại biểu đã được thảo luận nhiều lần, nhưng cuối cùng Quốc hội thống nhất sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa soạn theo chương trình khung.

"Chương trình tổng thể là pháp lệnh, tất cả trường học sẽ học chương trình tổng thể này qua cách viết khác nhau của các bộ sách giáo khoa. Còn 20% nội dung giao cho địa phương biên soạn không phải muốn viết gì thì viết mà Bộ sẽ chỉ đạo, tỉnh huy động trí tuệ tập thể. Khi viết xong đưa về Bộ thẩm định để thống nhất tổng thể mới ban hành", Bộ trưởng nói.

Bộ Giáo dục cũng đã có hướng dẫn người viết sách giáo khoa. Viết xong, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ đánh giá cuốn sách đó trước khi Bộ trưởng ký cho phép ban hành. Việc thẩm định dựa trên khung chương trình chứ không có chuyện mỗi nơi viết một kiểu.

"Xu hướng quốc tế không cố định vào một bộ sách. Việc này có ý nghĩa thu hút nhiều người giỏi và khuyến khích giáo viên chủ động thiết kế bài giảng, tránh cứng nhắc, bám vào sách giáo khoa, tránh thầy đọc trò chép", ông Nhạ nói. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định xây dựng luật phải bám vào xu thế quốc tế. Cách đây mấy hôm ông tiếp đoàn hiệu trưởng Cộng hòa Séc, được biết quốc gia này chấp nhận văn bằng phổ thông của Việt Nam. Học sinh cứ tốt nghiệp THPT là sang Séc được học đại học.

"Tương lai chúng ta phải làm sao hội nhập được, để các nước công nhận văn bằng của mình", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo vnexpress.net